Grand Rapids vốn là lãnh địa lâu đời của thổ dân da đỏ nhưng dân cư rất thưa thớt. Năm 1850, thành phố chính thức ra đời sau một cuộc trưng cầu ý dân và nhanh chóng trở thành một miền đất hứa cho những di dân gốc Âu. Sự phát triển của thành phố này gắn liền với những dấu mốc mang tính cách mạng: đây là nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở nước Mỹ (1880), là chiếc nôi của ngành công nghệ xe hơi Mỹ với sự ra đời của Công ty xe hơi Austin (1901), là thành phố đầu tiên ở Mỹ bổ sung chất fluoride vào nguồn nước uống cung cấp cho cộng đồng (1945)… Grand Rapids là thành phố lưu giữ các công trình kiến trúc kiểu châu Âu nhiều nhất vùng trung tây nước Mỹ, phần lớn được xây dựng từ thế kỷ 19, trong đó quần thể kiến trúc ở khu phố Hill ra đời từ năm 1848, đại diện cho hơn 60 phong cách kiến trúc khác nhau, được ghi nhận là khu di tích đô thị lớn nhất Hoa Kỳ. Đến đây cũng khó bỏ qua nhà kính trồng các loài cây nhiệt đới lớn nhất bang mang tên Frederik Meijer Gardens với những khu vườn kỳ ảo, 100 bức tượng đồng của các nghệ thuật gia nổi tiếng bao gồm cả tượng con ngựa 24 chân bằng đồng do Leonardo da Vinci sáng tạo nhưng chưa hoàn tất.
Từ năm 1973, Grand Rapids bắt đầu tổ chức các cuộc triển lãm điêu khắc ngoài trời thường niên, quy tụ những nhà điêu khắc hàng đầu thế giới. Đây cũng là nơi ra đời cuộc thi nghệ thuật lớn nhất thế giới - Art Prize - hằng năm quy tụ hơn 1.200 nghệ sĩ từ khắp thế giới về đây tranh tài, hoàn toàn dựa trên sự bầu chọn của công chúng. Vì thế đến với Grand Rapids là đến với một thành phố di sản của công nghệ, kiến trúc và nghệ thuật, là nơi để du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những thành tựu văn hóa nghệ thuật của một nước Mỹ đa sắc tộc, đa văn hóa. Grand Rapids còn có một địa chỉ cuốn hút những ai quan tâm đến lịch sử đương đại của Hoa Kỳ. Đó là Bảo tàng tổng thống Gerald R. Ford nằm cạnh dòng sông Grand chảy qua giữa lòng thành phố. Dù chỉ làm ông chủ của Nhà Trắng trong 895 ngày, nhưng tổng thống Gerald R. Ford được người Mỹ kính trọng vì phong cách lãnh đạo và sự thành thật của ông, đặc biệt là trong việc giải quyết những hệ lụy của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự khoan dung của ông đối với cựu tổng thống Nixon sau vụ bê bối Watergate, dù chính những điều này đã khiến ông mang tiếng là “vị tổng thống thất trận” và bị thất cử trong nhiệm kỳ kế tiếp. Bảo tàng tổng thống Gerald R. Ford chính thức hoạt động từ tháng 9-1981, với kinh phí xây dựng lên tới 11 triệu USD từ nguồn tài trợ của hơn 14.000 người trên khắp thế giới. Tòa nhà trưng bày chính của bảo tàng rộng hơn 4.100m 2 , tọa lạc bên bờ sông Grand, là nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Gerald R. Ford. Hơn 20.000 hiện vật được trưng bày cùng với hàng chục xây nhà đẹp cuốn băng video được trình chiếu liên tục trong bảo tàng sẽ cung cấp cho du khách những tư liệu sống động về cuộc đời của Gerald R. Ford, đồng thời dẫn dắt du khách đến với một trong những chương quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam (1965-1975), vụ bê bối Watergate (1972-1974), lễ kỷ niệm 200 năm ngày nước Mỹ lập quốc (1976), sự can dự của người Mỹ đối với sự sụp đổ của bức tường Berlin ở Đức (1989)…
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bản sao của “phòng bầu dục” nổi tiếng ở Nhà Trắng y hệt như lúc Gerald R. Ford còn làm chủ nơi này, sẽ có dịp ngồi lên chiếc ghế bành của tổng thống thay ông chủ trì phiên họp nội các trong tưởng tượng, hay tiếp cận chiếc máy bay trực thăng đã chở những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn năm 1975… Du khách cũng sẽ được nhìn thấy những hình ảnh xúc động mà nước Mỹ đã tiễn đưa Gerald R. Ford trở về với đất mẹ vào năm 2007… Thi hài vợ chồng cựu tổng thống Gerald R. Ford sau cùng đã được an táng trong khuôn viên bảo tàng, cạnh dòng sông Grand chở đầy những ký ức sống động về một con người mà cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đánh giá là “luôn giữ một vị trí đặc biệt trong hồi ức của đất nước Hoa Kỳ”.
|